Khi ngày càng nhiều quốc gia thắt chặt biên giới và con đường nhập cư, thì một ngành dịch vụ mới đã ra đời để giúp những người muốn nhập cư vượt qua những hạn chế đó – với một mức phí “cắt cổ”.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực đó giúp người nước ngoài “trở thành công dân thông qua đầu tư”. Những chương trình nhập tịch như vậy có phải là điều mà mọi người, bên cạnh những người giàu có, đang cân nhắc hay không, và vì những lý do gì khác ngoài việc tối ưu hóa tiền thuế phải trả?
Mong muốn được trở thành công dân toàn cầu
Các chương trình nhập tịch thông qua đầu tư không có gì là mới mẻ cả. Chúng đã tồn tại hàng thập kỷ, chủ yếu là cách để các quốc gia tăng thu nhập. Canada và hòn đảo St Kitts và Nevis ở Caribê đã khởi động các chương trình của họ từ những năm 1980s. Mỹ và Vương quốc Anh thì bắt đầu những chương trình tương tự vào những năm 1990s.
Những chi tiết cụ thể của các chương trình nhập tịch như vậy thay đổi theo từng quốc gia. Họ cho phép người nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản và các doanh nghiệp, mua bất động sản, hoặc tặng tiền trực tiếp cho chính phủ của một quốc gia để đổi lấy thị thực hoặc hộ chiếu.
St. Kitts và Nevis đã khởi động chương trình nhập tịch vào năm 1984, một năm sau khi đất nước non trẻ này tuyên bố độc lập khỏi Anh. Mục đích là để nhận được nhiều tiền hơn từ những doanh nhân nhìn thấy được giá trị của các bãi biển nhiệt đới và mức thuế thấp.
Ban đầu, nó chỉ thu hút được vài trăm người tham gia. Nhưng đến năm 2009, những người nắm giữ hộ chiếu của quốc đảo này được đi đến 26 quốc gia khu vực Schengen mà không cần thị thực, và nhu cầu đã tăng lên nhanh chóng.
Ngành dịch vụ này đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2014 đánh dấu năm đầu tiên Mỹ hết thị thực dành cho những nhà đầu tư nhập cư trước khi kết thúc năm tài khóa.
CS Global Partners, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, đã hướng dẫn các nhà đầu tư quá trình pháp lý để “mua” được một tấm hộ chiếu thông qua đầu tư. Công ty này nói rằng sự quan tâm đến dịch vụ của họ đang tăng 4 lần trong năm qua.
Những sự kiện như quyết định rời khỏi EU của Anh và bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang tạo ra sự quan tâm mới. Theo Micha Emmett, CEO của CS Global Partners, những công dân Anh đang nghiêm túc cân nhắc các lựa chọn của họ.
Đối tượng khách hàng đang thay đổi
Theo IMF, những nhà đầu tư tư nhân giàu có từ các nền kinh tế mới nổi đang theo đuổi xu hướng này. Dữ liệu từ chương trình thị thực EB-5 gây tranh cãi ở Mỹ – cho phép người nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản để đổi lấy đơn đăng ký thẻ xanh được ưu tiên – cho thấy đối tượng đăng ký đang chuyển dịch.
Peter Joseph, giám đốc điều hành của Invest in USA, cho biết:
“Chúng ta đang chứng kiến một vài quốc gia tham gia vào xu hướng này và khiến nó trở nên đa dạng hơn. Trung Quốc là nguồn chính (trong những người đăng ký nhập tịch), chiếm khoảng 80%, nhưng những nơi như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil là những nguồn tăng trưởng trong vài năm vừa qua.”
Paul Williams tới từ La Vida Golden Visas – một công ty chuyên về nơi cư trú và quốc tịch thứ hai ở châu Âu – làm việc với khách hàng từ hơn 50 quốc gia. Vì Anh đã bỏ phiếu cho Brexit, nên lần đầu tiên ông nhận thấy sự quan tâm tới từ công dân của quốc gia này.
Quốc tịch: một món hàng hot
Những chương trình nhập tịch nổi tiếng nhất là ở Caribê, những bãi cát trắng, mức đầu tư tối thiểu, những yêu cầu cư trú không giới hạn và thời gian xử lý nhanh là các yếu tố thu hút những nhà đầu tư tới đây.
Ví dụ, để trở thành một công dân của hòn đảo ở Caribê là Dominica, thì bạn cần đầu tư 100.000 USD, không yêu cầu đã từng có thời gian sống trên đảo và không cần chờ đợi.
Và những chương trình như vậy là những động lực kinh tế quan trọng. Ở St. Kitts và Nevis, hộ chiếu là “hàng” xuất khẩu lớn nhất của đảo quốc này và khoản tiền thu được từ chương trình này giúp cho quốc gia này thoát khỏi nợ nần và thúc đẩy cuộc bùng nổ ngành xây dựng.
Theo IMF, những chương trình nhập tịch nhờ đầu tư chiếm 14% GDP của St. Kitts vào năm 2014, và các ước tính khác cho thấy chương trình này có thể đã chiếm tới 30% doanh thu của chính phủ vào năm 2015.
Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia giàu có hơn cung cấp dịch vụ ‘mua quốc tịch’. Những chương trình tương tự ở New Zealand có chi phí 1,06 triệu USD – một địa điểm phổ biến với giới nhà giàu ở Thung lũng Silicon – hoặc 2,58 triệu USD đối với Anh và 500.000 USD đối với Mỹ.
Joseph nói rằng chương trình EB-5 rất có giá trị đối với nước Mỹ, cung cấp hơn 1 tỷ USD/quý cho quốc gia này: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với mức tăng hơn 1200% từ năm 2008 cho đến thời điểm hiện tại.”
Sự quan tâm ngày càng tăng đối với chương trình nhập tịch của Mỹ một phần là nhờ nền kinh tế tương đối ổn đinh và môi trường đầu tư an toàn, nhưng phần khác cũng nhờ mức đầu tư tối thiểu thấp. Chương trình EB-5 yêu cầu 500.000 USD đầu tư vào các khu vực thiếu việc làm và tiền mặt, nhưng có những lời chỉ trích rằng mức đầu tư tối thiểu là một lỗ hổng đang được khai thác bởi các nhà phát triển.
Cuối cùng, 23 quốc gia từ Cyprus đến Signapore đang cung cấp một số loại hình cư trú hoặc quốc tịch nào đó, và nhiều chương trình tương tự đang được tạo ra trên khắp châu Âu. Gần ½ số nước thành viên EU hiện đang cung cấp một số chương trình cư trú hoặc quốc tịch.
Khả năng di chuyển dễ dàng rất quan trọng
Từ 50.000 USD (ở Latvia) đến 10 triệu USD (ở Pháp), người nước ngoài có thể sống, làm việc, mở tài khoản ngân hàng ở một số quốc gia. Có lẽ quan trọng hơn, họ mua quyền du lịch không cần thị thực đến các quốc gia trên khắp thế giới.
Có một hệ thống đánh giá không chính thức các hộ chiếu được mong muốn nhiều nhất. Một số người trong ngành xác định giá trị của một hộ chiếu dựa vào số quốc gia mà nó giúp người sở hữu di chuyển đến mà không cần thị thực. Đó là lý do hiện tại hộ chiếu của Đức đang được coi là hộ chiếu mạnh nhất thế giới.
Andrew Henderson, một doanh nhân người Mỹ và là người sáng lập Nomad Capitalist, một công ty blog, podcast và tư vấn, có 4 hộ chiếu và ông đang cố gắng có được cái thứ 5. Nhiều quốc tịch cho ông vô số lựa chọn kinh doanh.
Mặc dù không phải ai có nhiều quốc tịch cũng sẽ sống ở nhiều quốc gia, nhiều nhà đầu tư coi các chương trình này như một phương án dự phòng. Hầu hết những khách hàng của La Vida Golden Visas không sống ở nước họ đầu tư. Họ coi đó là một chính sách bảo hiểm. Họ biết rằng họ có nơi cư trú thứ 2, và chỉ cần họ lên máy bay, thì họ sẽ có lựa chọn đó.
Quốc tịch có nên là một loại hàng hóa?
Các chương trình nhập tịch như trên tất nhiên gây ra những tranh cãi. Đầu năm nay ở Mỹ, 2 thượng nghị sĩ, Dianne Feinstein và Chuck Grassley, đã đưa ra một dự luật để loại bỏ chương trình EB-5, lập luận rằng nó quá nhiều điểm thiếu sót để tiếp tục.
Feinstein nói: “Thật là sai trái khi có một con đường đặc biệt để trở thành công dân cho những người giàu có trong khi hàng triệu người đang phải chờ thị thực.”
Những người phản đối cũng cho rằng các chương trình nhập tịch có thể nối giáo cho các hoạt động rửa tiền, tội phạm, trốn thuế…
Trong tháng 5, một cuộc điều tra của FBI đã phát hiện vụ lừa đảo visa trị giá 50 triệu USD lien quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc trong chương trình EB-5. Chương trình ở St. Kitts và Nevis gặp rắc rối với Bộ Tài chính Mỹ khi các đối tượng tình nghi Iran bị bắt gặp sử dụng hộ chiếu của quốc đảo này để rửa tiền cho ngân hàng ở Tehran. Điều này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Tuy nhiên, trong một thế giới mà các đường biên đang “đóng cửa”, thì nhu cầu về các dịch vụ này sẽ tiếp tục phát triển.